Thời Hậu Đường Minh Tông Cao_Quý_Hưng

Sau cái chết của Hậu Đường Trang Tông, Lý Tự Nguyên xưng đế, tức Hậu Đường Minh Tông. Trong khi đó, Cao Quý Hưng huy động thủy quân để tiến công Sở. Tông Quang Hiến- người được Lương Chấn tiến cử làm thư ký cho Cao Quý Hưng- chỉ ra rằng Kinh Nam chưa kịp phục hồi sau các cuộc chiến, và nếu nay lại giao chiến với Sở, các nước khác có thể thừa cơ tiến công Kinh Nam. Cao Quý Hưng đồng ý và dừng kế hoạch tiến công Sở. Trong khi đó, Cao Quý Hưng thượng biểu cầu giao ba châu Quỳ, Trung, Vạn cho Kinh Nam; Hậu Đường Minh Tông chấp thuận.[17]

Sau khi được trao cho ba châu Quý, Trung, Vạn, ông lại yêu cầu triều đình không bổ nhiệm thứ sử cho các châu này, thay vào đó để ông bổ nhiệm các thành viên trong gia tộc vào vị trí đó; Hậu Đường Minh Tông từ chối. Tiếp đó, khi Quỳ châu thứ sử Phan Kháng (潘炕) bãi quan, Cao Quý Hưng liền khiển binh đột nhập châu thành, giết chết các binh sĩ trấn thủ, từ đó kiểm soát trực tiếp Quỳ châu. Khi Hậu Đường Minh Tông bổ nhiệm Phụng Thánh chỉ huy sứ Tây Phương Nghiệp (西方鄴) làm Quỳ châu thứ sử, Cao Quý Hưng không cho Tây Phương Nghiệp đến nhậm chức. Ông cũng khiển binh tập kích Phù châu, song không thể chiếm được.[17]

Khi áp nha Hàn Củng (韓珙) đem vàng bạc châu báu của triều đình Tiền Thục xuôi dòng Trường Giang để đến Lạc Dương, Cao Quý Hưng khiển binh tập kích giết chết Hàn Củng ở cửa Tam Hiệp, cướp lấy tài sản. Khi Hậu Đường Minh Tông khiển sứ gạn hỏi, Cao Quý Hưng nói: "Củng và những người khác đi thuyền xuôi Hiệp qua vài nghìn lý. Nếu muốn biết vì nguyên nhân sao lại lật chìm, cứ đem nghi án hỏi thủy thần." Hậu Đường Minh Tông tức giận, tước đoạt quan tước của Cao Quý Hưng, cho Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ Lưu Huấn (劉訓) làm Nam diện chiêu thảo sứ, cùng Trung Vũ[chú 21] tiết độ sứ Hạ Lỗ Kỳ (夏魯奇) làm phó Chiêu thảo sứ, đem 4 vạn bộ-kị binh tiến công; Đông Xuyên[chú 22] tiết độ sứ Đổng Chương (董璋) làm Đông nam diện chiêu thảo sứ, Tây Phương Nghiệp làm phó, đem binh Thục xuôi Tam Hiệp hội với quân Sở của Mã Ân, tiến công Kinh Nam từ ba phía.[17]

Lưu Huấn nhanh chóng bao vây Giang Lăng, song Giang Lăng lại ẩm ướt trong mùa mưa, việc bao vây do vậy mà bị cản trở, binh sĩ và bản thân Lưu Huấn bị bệnh. Hậu Đường Minh Tông khiển Khổng Tuần đến Giang Lăng xem xét tình hình. Khổng Tuần cũng không thể chiếm được Giang Lăng, khiển sứ giả vào thành thuyết phục Cao Quý Hưng quy phục. Cao Quý Hưng không những từ chối mà còn vô lễ với sứ giả của Khổng Tuần. Trong khi đó, bất chấp việc nhận được quà của Hậu Đường Minh Tông, Mã Ân vẫn không tiến công Giang Lăng. Do bao vây thất bại, Hậu Đường Trang Tông lệnh cho Lưu Huấn triệt thoái. Tuy nhiên, Tây Phương Nghiệp đánh bại được quân Kinh Nam đóng ở Quỳ châu, Trung châu và Vạn châu, tái chiếm ba châu này cho triều đình Hậu Đường. Hậu Đường Minh Tông cho lập ra Ninh Giang quân, trị sở tại Quý châu, bổ nhiệm Tây Phương Nghiệp làm Ninh Giang tiết độ sứ.[17] Mặc dù Tây Phương Nghiệp chiến thắng, Hậu Đường Minh Tông định tội các cựu tể tướng Đậu Lô CáchVi Thuyết vì từng tán thành việc trao ba châu cho Cao Quý Hưng, lệnh cho hai người này phải tự sát.[4]

Đồng thời, Cao Quý Hưng chặn và bắt giữ sứ giả do Mã Ân khiển sang Hậu Lương là Sử Quang Hiến (史光憲) trên đường người này trở về, cùng với các quà tặng do Hậu Đường Minh Tông gửi cho Mã Ân. Sau đó, ông dâng biểu xin được làm thần của Ngô. Tuy nhiên, phụ chính Từ Ôn của Ngô cho rằng Ngô không có lợi nếu nhận Cao Quý Hưng làm chư hầu, vì Giang Lăng quá gần với Lạc Dương so với kinh đô Quảng Lăng[chú 23] của Ngô và do đó Ngô sẽ gặp khó khăn nếu cứu viện cho Kinh Nam; do đó Từ Ôn nhận cống phẩm của Cao Quý Hưng song từ chối nhận Cao Quý Hưng làm chư hầu.[17]

Vào mùa xuân năm 928, Tây Phương Nghiệp chiếm được Quy châu[chú 24] của Kinh Nam, song ngay sau đó quân Kinh Nam tái chiếm được châu này.[4]

Năm 928, Mã Ân khiển Lục quân sứ Viên Thuyên (袁詮), Phó sứ Vương Hoàn (王環), và nhi tử là giám quân Mã Hy Chiêm (馬希瞻) đem thủy quân tiến công Kinh Nam. Sau khi quân Sở đại thắng quân Kinh Nam tại Lưu Lang Phục[chú 25], Cao Quý Hưng lo sợ và trao trả Sử Quang Hiến cho Sở. Sau đó, khi Mã Ân trách mắng Vương Hoàn về việc không tiếp tục tiến công để diệt Kinh Nam, Vương Hoàn đáp: Giang Lăng nằm giữa Trung triều [tức Hậu Đường], Ngô, và Thục, là đất tứ chiến. Tốt nhất là để nó tồn tại nhằm che chắn cho ta, Mã Ân hiểu ra.[4]

Vào mùa hè 928, một vạn thủy quân Ngô dưới quyền chỉ huy của Hữu hùng vũ quân sứ Miêu Lân (苗璘) và Tĩnh Giang thống quân Vương Ngạn Chương (王彥章) tiến công Nhạc châu của Sở, hội binh với Kinh Nam. Hứa Đức Huân đánh bại quân Ngô, song không rõ quân Kinh Nam có thực sự tham chiến hay không.[4]

Không lâu sau, Cao Quý Hưng lại xin làm chư hầu của Ngô, lúc này Từ Ôn đã qua đời và con nuôi là Từ Tri Cáo nắm quyền phụ chính, Ngô chấp thuận cho Cao Quý Hưng làm chư hầu, phong tước Tần vương. Hậu Đường Minh Tông sau đó hạ chiếu cho Mã Ân tiến công Cao Quý Hưng, Mã Ân khiển Hứa Đức Huân đem binh công Kinh Nam, cho Mã Hy Phạm làm giám quân, tiến tới Sa Đầu[chú 26]. Khi quân Kinh Nam và quân Sở chạm trán, cháu của Cao Quý Hưng là Cao Tòng Tự (高從嗣) thách Mã Hy Phạm đọ sức một trận duy nhất để phân thắng bại, phó chỉ huy sứ Liệu Khuông Tề (廖匡齊) của Sở đem quân giao chiến và giết chết Cao Tòng Tự. Sau đó, Cao Quý Hưng cầu hòa, Mã Ân chấp thuận và lệnh cho Hứa Đức Huân và Mã Hy Phạm triệt thoái.[4]

Vào mùa thu năm 928, Hậu Đường Minh Tông cho Vũ Ninh tiết độ sứ Phòng Tri Ôn (房知溫) kiêm Kinh Nam hành doanh chiêu thảo sứ, huy động quân các đạo tập trung tại Tương châu để chuẩn bị tiến công Giang Lăng. Tuy nhiên, trước khi quân Hậu Đường có thể hội binh và tiến công, Cao Quý Hưng lâm bệnh rồi qua đời vào ngày Bính Thìn tháng 12 ÂL. Hoàng đế Ngô là Dương Phổ bổ nhiệm Cao Tòng Hối làm Kinh Nam tiết độ sứ, sau đó Cao Tòng Hối quy phục Hậu Đường Minh Tông, xin làm chư hầu của Hậu Đường. Vào mùa xuân năm 929, Hậu Đường Minh Tông chấp thuận và chấm dứt chiến dịch chống Kinh Nam.[4] Tháng thứ 1 năm Trường Hưng thứ 1 (930), Hậu Đường Minh Tông truy phong Cao Quý Hưng là Sở vương, thụy hiệu "Vũ Tín".[3]